Sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng tiết kiệm, hiệu quả
Bộ Xây dựng đã đề nghị Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 1084/2015/UBTVQH13 ngày 10/12/2015 quy định áp dụng mức thuế suất tối đa 15% đối với cát và đất làm gạch (thay vì 11% đối với cát và 10% áp dụng đối với đất làm gạch trước đó).
Bộ Xây dựng đã xây dựng Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 9205 : 2012 cát nghiền cho bê tông và vữa nhằm thay thế cho việc sử dụng cát tự nhiên cho xây dựng.
Ngoài ra, Bộ Xây dựng cũng đã xây dựng hơn 29 bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật để phục vụ cho việc sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, hóa chất, phân bón để làm nguyên liệu sản xuất VLXD và sử dụng trong các công trình xây dựng.
Nỗ lực thực hiện
Với sự chủ động, tích cực của các địa phương, cả nước đã có hơn 20 cơ sở sản xuất cát nhân tạo, 1 năm sản xuất được khoảng 3 triệu m3, trong đó có doanh nghiệp đầu tư sản xuất cát nghiền với công suất lớn như Công ty CP Thiên Nam (công suất 1,5 triệu m3/năm)…
Hiện nay cả nước có 23 cơ sở nhiệt điện đốt than phát thải ra tổng lượng tro, xỉ khoảng 14,3 triệu tấn/năm và lượng thạch cao 0,398 triệu tấn/năm.
Đã có 6 nhà máy xi măng và 8 nhà máy sản xuất gạch không nung ký hợp đồng tiếp nhận tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện. Tổng lượng tiêu thụ tro, xỉ trong năm 2017 đạt gần 4 triệu tấn (khoảng 30% lượng tro, xỉ thạch cao phát sinh bình quân năm).
Tuy nhiên, Bộ Xây dựng cũng cho rằng, việc thúc đẩy phát triển sản xuất VLXD hướng tới phát triển ổn định, bền vững trên cơ sở sử dụng tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường vẫn chưa đạt được các kết quả như mong muốn, vẫn chủ yếu sử dụng tài nguyên hóa thạch tự nhiên như cử tri tỉnh Quảng Ngãi phản ánh.
Để việc sử dụng nguyên liệu cho sản xuất VLXD theo hướng tiết kiệm, hiệu quả và tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng và sản xuất nhiều vật liệu mới, trong thời gian tới Bộ Xây dựng dự kiến thực hiện: Xây dựng, hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm VLXD ở Việt Nam đến năm 2030 và định hướng đến năm 2050, trong đó thể hiện quan điểm và các giải pháp cụ thể để sử dụng tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường, sử dụng công nghệ hiện đại trong khai thác, chế biến khoáng sản để nâng cao chất lượng sản phẩm, vào thời điểm cuối năm 2018.
Tiếp tục tổ chức rà soát, đánh giá toàn diện quá trình thực hiện Quyết định 1469/QĐ-TTg ngày 22/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ, chỉ đạo các cơ quan chức năng hoàn thiện hành lang pháp lý để hạn chế việc khai thác, sử dụng nguồn VLXD trong thiên nhiên, tăng cường sản xuất và khuyến khích ứng dụng các loại vật liệu thay thế cho sản xuất VLXD hướng tới phát triển ổn định, bền vững.
Có thể nói, việc xây dựng, ban hành cơ chế chính sách nhằm đưa vật liệu mới vào thực tiễn cuộc sống phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, tuy nhiên những nội dung cốt lõi nhất đã cơ bản đầy đủ, việc thành công trong thực tiễn cần có sự đồng hành của các bộ, ngành liên quan và đặc biệt là cơ quan quản lý Nhà nước tại mỗi địa phương cũng như ý thức, trách nhiệm tuân thủ pháp luật về xây dựng, môi trường của mỗi người dân, doanh nghiệp.
Nguồn: VLXD.org
VIỆN NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG DEMING
HOTLINE: 0905 812 499 - Ms Thúy Anh
Email: vietcert.kinhdoanh72@gmail.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét